[Góc báo chí]vnexpress.net-Kinh nghiệm thi công sàn gỗ ngoài trời

Gia chủ chú ý chọn sàn gỗ phù hợp, chuẩn bị mặt bằng kỹ, làm khung xương chắc chắn, sử dụng phụ kiện chuẩn…

Lắp đặt sàn gỗ ngoài trời không hề đơn giản. Muốn quá trình lắp đặt sàn gỗ diễn ra nhanh chóng mà vẫn đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ, gia chủ và đội ngũ thi công xây nhà cần có kiến thức, kinh nghiệm thực tế.

Chọn sàn gỗ phù hợp

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia xây dựng thì dù là sử dụng sàn gỗ nhựa composite hay sàn gỗ tự nhiên, gia đình chọn loại có độ dày từ 20mm trở lên.

Nếu sử dụng gỗ nhựa composite thì nên chọn những loại gỗ nhựa gốc PE vì  bền màu hơn. Còn sàn gỗ tự nhiên thì phải chọn đúng những loại gỗ có thể sử dụng tốt ở ngoài trời như: Teak Lào, Teak Myanmar, Sao đen Nam Mỹ hoặc các loại gỗ tự nhiên biến tính thông dụng như: Thermal Ash, Thermal Pine, Accoya…  Gia đình nên sử dụng dầu lau Osmo để hoàn thiện bể mặt để tăng độ bảo vệ và giữ cho gỗ tự nhiên không bị xuống màu dưới tác động của tia UV.

thi công sàn gỗ hồ bơi

Thợ thi công sàn gỗ hồ bơi ngoài trời.

Chuẩn bị mặt bằng kỹ

Sàn gỗ ngoài trời không thoát nước trên mặt mà thoát nước phía bên dưới thông qua khe hở giữa các tấm ván với nhau. Vì vậy nền phía bên dưới phải cán tạo độ dốc từ 1% trở lên để đảm bảo vấn đề thoát nước, trước khi lắp đặt cần kiểm tra (lấy vòi nước xịt thử) xem nước đã thoát tốt hay chưa, nếu có hiện tượng nước bị đọng vũng thì phải cán nền lại.

Làm hệ khung xương thật chắc chắn

Không giống như sàn gỗ trong nhà, sàn gỗ ngoài trời không thể lắp trực tiếp lên nền bê tông mà phải lắp đặt trên hệ khung xương. Khung xương là bộ phận có tác dụng nâng sàn đảm bảo vấn đề thoát nước.

khung xương sàn gỗ

Thợ làm khung xương sàn gỗ hồ bơi.

Gia đình nên nâng khung xương lên cao hơn mặt sàn bê tông bên dưới khoảng từ 20-30cm để lượng nước, hơi ẩm bên dưới được lưu thông tốt, thông thoáng hơn, điều này sẽ giúp đảm bảo tuổi thọ của sàn gỗ.

Để nâng khung lên cao mà vừa đảm bảo độ cứng cáp của sàn, gia đình nên làm khung xương bằng inox 304 hoặc sắt mạ kẽm sơn chống rĩ và làm xương 2 lớp: lớp thứ nhất (lớp xương gánh) thả cách khoảng 1m, lớp thứ 2 (lớp xương để lắp ván) thả cách khoảng 300mm.

Sử dụng phụ kiện chuẩn

Là vị trí thường xuyên tiếp xúc với nước vì thế nên sử dụng vít inox để tránh việc bị oxy hoá, để tránh việc bắn vít trực tiếp lên mặt ván nên sử dụng thêm phụ kiện chốt nhựa để đảm bảo tính thẩm mỹ. Ngoài ra chốt nhựa còn có tác dụng tạo thành khe hở 5mm giữa các thanh ván với nhau đảm bảo việc thoát nước xuống phía bên dưới dễ hơn.

lắp đặt sàn gỗ

Thợ lắp ván theo ron, khung xương.

Ngoài ra, để đảm bảo vấn đề thẩm mỹ, trước thi lắp ván, gia chủ phải tính toán tổng thể để hạn chế những chỗ đắp miếng nhỏ, những đoạn nối ngắn ở những điểm kết thúc sàn.

Ở những vị trí có phễu thu sàn bên dưới thì phải làm nắp sống để sau này có thể tháo nắp ra vệ sinh dễ dàng, tránh tình trạng phễu bị nghẹt nước không thoát đi được. Gia đình nên lắp đặt sàn gỗ ngoài trời ở giai đoạn cuối của công trình để hạn chế sàn bị bẩn và trầy xước khi các đội khác vào thi công

Nguồn: https://vnexpress.net/doi-song/kinh-nghiem-thi-cong-san-go-ngoai-troi-4050570.html

NHẬN BÁO GIÁ